(KTSG Online) – Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp và tổ chức cần có sự sẵn sàng của các tư vấn bên ngoài đồng hành trong quá trình thực hiện nhằm nhanh chóng ứng dụng công nghệ để có thể sinh tồn, tái tạo và phát triển.
Thông tin này được ghi nhận tại Buổi Talkshow online “Hạt nhân trong chuyển đổi số doanh nghiệp SME” vào tối ngày 22-12 với hơn 2.000 khán giả đang là chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), người làm kinh doanh.
Sự kiện với sự góp mặt của ông Phan Thanh Sơn (Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty hệ thống thông tin FPT và là CBDO của FPT IS); ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1) dưới dự điều phối của ông Lê Nguyễn Hồng Phương (Chủ tịch BIT Group).
Tại sự kiện cả ông Phan Thanh Sơn và ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đồng thuận rằng để đạt được những thành công như hiện tại thì FPT và Yeah1 đã phải nỗ lực và cố gắng không ngừng, đặc biệt trong quá trình chuyển đối số, cần nắm được những năng lực của những con người trong công ty đồng thời kích hoạt, gắn kết những nhân tố “hạt nhân” bên trong doanh nghiệp.
Đáng chú ý để chuyển đổi số thành công, theo hai chuyên gia, các doanh nghiệp và tổ chức cần có sự tư vấn chuyên nghiệp bên ngoài cùng đồng hành trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Trên thực tế hiện nay có những doanh nghiệp chuyển đổi theo xu hướng của thời cuộc cũng có những doanh nghiệp chuyển đổi số để xóa bỏ sự lạc hậu và theo kịp với các đối thủ khác,… Tuy nhiên, theo ông Thanh Sơn, một doanh nghiệp có sự đầu tư và nghiêm túc trong hành trình chuyển đổi số của mình thì doanh nghiệp đó sẽ nhận ra rằng chuyển đổi số là để tồn tại, tiếp đến là hiệu quả hơn và cuối cùng là cạnh tranh, đổi mới sáng tạo hơn.
Sẽ có rất nhiều mục đích và cấp độ chuyển đổi số khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là giúp doanh nghiệp hướng tới sự toàn diện. Ngoài ra, có một số lý do lại mang tính chiến lược và chiến thuật vì có những doanh nghiệp chuyển đổi số để tạo ra một ngành nghề mới và họ chính là người dẫn đầu trong ngành nghề này, ông Sơn nói.
Theo ông Nhượng Tống, chuyển đổi số có mô hình cơ bản như ứng dụng nền tảng số có sẵn để phục vụ cho doanh nghiệp của mình và từ đó chi phí đầu tư về nền tảng cũng sẽ được cắt giảm. Ngoài ra, việc hợp tác với những đơn vị có sản phẩm phần mềm tối ưu cũng giúp doanh nghiệp phát triển nhanh. Đơn cử như tại Yeah1, việc hợp tác với những tập đoàn công nghệ khổng lồ để tận dụng những cộng đồng có sẵn nhằm tạo cơ hội cho việc thúc đẩy, cải thiện mô hình kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng chuyển đổi số thành công. Đáng chú ý những doanh nghiệp SME gặp nhiều rào cản và thách thức trong quá trình chuyển đổi số.
Theo ông Nhượng Tống, chuyển đổi số là cuộc chơi hoàn toàn mới và nếu biết ứng dụng thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích bởi tiềm năng mà nó mang lại. Chuyển đổi số là “công cụ” giúp doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên, trong “cuộc chơi” này, doanh nghiệp đôi khi sẽ không biết trước được kết quả sẽ thất bại hay thành công.
“Có những doanh nghiệp chuyển đổi rất thành công và chúng ta bị ảnh hưởng bởi hào quang của họ. Và chúng ta sẽ làm theo bằng cách chi quá tay vào việc chuyển đổi số và như thế sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến số vốn của công ty”, ông Tống lưu ý, và tóm lại: “Chuyển đổi số là cái “cần” thậm chí “bắt buộc” của mỗi doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó chúng ta cần dành một khoảng ngân sách cụ thể và “kỷ luật” để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn”.
Tại sự kiện, ông Thanh Sơn cũng nói về “hạt nhân” trong chuyển đổi số của doanh nghiệp đó là sự kết hợp xoay quanh ba đối tượng “con người”, “công nghệ” và “quy trình”. Ba “hạt nhân” cốt lõi này là nguyên liệu chính trong việc chuyển đổi số để thiết kế lại doanh nghiệp của mình, mô hình kinh doanh hay thậm chí là thị trường mà doanh nghiệp đang hướng tới. Ông lưu ý với doanh nghiệp rằng ba yếu tố trên cần được đặt cùng nhau trên bàn cân để thực hiện.
Trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp ngoài thấu hiểu được ngôn ngữ của công nghệ hay những kiến thức chuyên môn để có thể áp dụng vào quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh thì nhân tố “hạt nhân” hay nói cách khác “tế bào” phát triển của các doanh nghiệp chính là “con người”. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng đóng vai trò quyết định, thiết yếu trong hành trình chuyển đổi số.
“Các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ, bài toán chuyển đổi số phải bắt đầu từ nhu cầu của những người lãnh đạo doanh nghiệp đó, bắt đầu từ chính họ không ai khác!”, ông Sơn chốt lại.
“Buổi talkshow online do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA HCM) và BIT Group phối hợp tổ chức.”
Nguồn: thesaigontimes.vn